Cuối những năm 1880, khi người Pháp mang cà phê lần đầu đến Việt Nam, giống cây này trở thành một loại cây quý và chỉ được ươm trồng tại vườn các nhà thờ Phía bắc để phục vụ cho các tầng lớp quý tộc. Mãi đến sau những năm 1920 cây cà phê mới được trồng đại trà ở Đak Lak và Gia Lai – Kon Tum. Giống như tại hàng trăm quốc gia uống cà phê trên thế giới, văn hóa cà phê đã hình thành ở Việt Nam như một điều tất yếu từ món quà do tạo hóa ban tặng.
Theo năm tháng, cùng với sự phát triển của xã hội, văn hóa Cà Phê Việt cũng tự chuyển mình để thích nghi. Đầu tiên là "cà phê đường phố", thường là cà phê đen, loại cà phê bình dân nhất và cũng có đông "tín đồ" nhất, đặc biệt đông vào buổi sáng, trước giờ làm. cà phê loại này thường được pha phin trong những chiếc ly thủy tinh bình dị. Bên cạnh không bao giờ thiếu một ấm trà nóng sẵn sàng với vài ba chiếc ghế đẩu kê ven vệ đường. Một cách bình dân để mở đầu cho những câu chuyện.
Không biết tự bao giờ mà hạt cà phê gắn liền với con người Việt Nam đến lạ. Gắn liền từ lịch sử nước nhà đến đủ ngũ vị cuộc sống theo năm tháng. Có chút chua để nghĩ về thất bại, vừa độ mặn để thấm nhuần với sóng biển quê hương, đủ độ ngọt để cảm thấy yêu thương đong đầy, thừa độ đắng để giúp ta suy tưởng và độc đáo nhất là độ nồng của cà phê tạo nên cảm giác bồng bềnh trong suy nghĩ.
"Cà phê tự tình" dành cho các đôi nam nữ chuyện trò tâm sự. Ly cà phê ấy, nếu là cà phê đen thì phải pha vào những chiếc tách kiểu cách. Người pha phải dùng một loại chong chóng quậy mạnh để tạo bọt, trang trí chút kem, dùng bọt của cà phê Master điểm thêm hình chiếc lá hoặc trái tim. "Cà phê tự tình" thường bắt đầu từ khoảng 8 giờ tối đến tận đêm khuya.
"Cà phê tự sự" là một mình thưởng thức để suy tưởng, để hoài niệm. Người uống biệt riêng những phút giây tự đối diện với cuộc sống nội tâm hoặc có đôi khi nép mình bên những trang sách dỡ dang.
Tuy ngày nay nó đã dần bị mai một, biến dạng vì mất đi cái gốc rễ cội nguồn. Nhưng rất may là "văn hóa cà phê Việt" vẫn là điều đáng để thế hệ trẻ trân trọng. Dường như có một sức mạnh thần bí nào đó đã làm cho bất kỳ ai khi đang ngồi trước ly cà phê đều trở nên nhã nhặn, hiền lành, dễ mến. Người ta thường quên mất tuổi tác, địa vị, cũng như giai cấp của mình khi trước mặt là một ly cà phê bốc khói đang tỏa mùi hương quyến rũ. Đó thực sự là triết lý, và là sức hút hữu hình của cà phê.
Ở Việt Nam cà phê phin là hình thức pha chế phổ biến hơn cả. Người nghiền cà phê phin dường như qua đó cũng tự tạo cho mình những niềm vui nhỏ nhưng có sức lan tỏa lớn. Khi những giọt đắng cuối cùng trên phin ngưng chảy, cũng là lúc chúng ta sắp sửa có quyền thưởng thức ly cà phê tuyệt vời. Một chút đường trắng, chiếc muỗng nhỏ xíu như đồ chơi trẻ em trên tay, ta khuấy nhẹ, thật nhẹ thôi, thả lỏng toàn thân cho tâm hồn thư thái. Và khi nâng ly cà phê lên môi, một mùi thơm ngất ngây pha chút ngai ngái, ngầy ngậy lan tỏa trong khoang mũi, cộng với vị đắng dịu dàng trên môi, ta cảm nhận hương vị cà phê đang tan ra trong miệng, thấm sâu vào tận trái tim khối óc. Lâu lâu nhấp một ngụm nhỏ để lặp lại cảm giác tuyệt diệu này, đó quả là những phút giây hạnh phúc…
Công năng kỳ diệu đến thần bí của cà phê có lẽ là khả năng tạo cảm giác thư thái cho người thưởng thức. Chính vì vậy trước ly cà phê, một gã giang hồ cộm cán cũng trở nên hiền lành, hoài niệm. Người đang nóng giận cũng trở nên mềm mại. Người đang buồn chán cũng trở nên yêu đời. Và người mệt mỏi bỗng thấy tràn đầy sinh lực. Chính điều đó đã giúp cho văn hóa cà phê Việt đứng vững trước những băng hoại của lối sống gấp gáp, hối hả, vội vàng…
Phải chăng văn hóa cà phê Việt tồn tại và phát triển là do tâm hồn người Việt? Điều đó rất đúng. Nhưng còn một yếu tố khác làm nên văn hóa cà phê, đó là nhờ triết lý cà phê và sức mạnh quyến rũ đầy nhân tính của hạt cà phê. Sự kỳ diệu đó là món quà vô giá mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. May mắn cho người dân Việt là họ được thiên nhiên ưu đãi cho những vùng đất đỏ Bazan thật là thích hợp với cây cà phê như Cao Nguyên Trung Phần. Trải qua bao nắng mưa dầu dãi, thấm đượm mồ hôi người trồng. Trải qua đau đớn trong lửa, nước, xay nghiền, không giống như Gạo sau xay giã thì trắng như ngà ngọc. Cà phê tuy mang màu đen sẫm, nhưng trong lòng lại chan chứa bao thi vị cuộc sống...
Café de nam và tôi
Hành trình cà phê phin