"Ở Sài Gòn, trước năm 1975, có quán cà phê La Pagode, nằm trên đường Tự Do (bây giờ là Đồng Khởi), chỗ đối diện với công viên Hòa nhạc phía bên kia đường, cũng là nơi tụ tập của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của miền Nam. Cái tên La Pagode đã có chỗ đứng rất trang trọng trong nhiều tác phẩm văn, thơ xuất bản cả trước lẫn sau 1975. Cũng từ quán cà phê Cái Chùa (La Pagode) này, một nhóm các nhà văn, nhà thơ lúc ấy đã "lăng–xê" mốt "trí thức thời thượng": kính trắng và ống vố (pipe). Và tất nhiên, trước mặt phải có ly cà phê bốc khói, và cái lọ đựng những viên đường thẻ trắng tinh".
Có lẽ không gian văn hóa cà phê ấy đã được người Pháp đem sang Việt Nam trong nhiều năm tháng đô hộ. Nhưng họ không ngờ, chính người Việt lại biến nó thành "Cà phê Đạo", như cái món trà của người Trung Hoa, nhưng người Nhật lại biến nó thành "Trà Đạo" vậy.
Trong buổi sáng nhớ người yêu quay quắt mà không thể chạm tới được, ta chỉ còn cách tự an ủi mình bằng một tách cà phê sớm. Một ấm nước trong vắt ta đã để từ đêm qua cho lắng cặn (nghe nói người Việt phải dùng nước suối để nấu), nghe tiếng sôi, ta tráng cái phin cà phê cho ấm nóng. Rồi múc ba muỗng cà phê bỏ vào khoảng một phần ba phin. Đặt miếng chặn lên ấn một chút thật nhẹ, đổ nước sôi đã bắc xuống khoảng 30 giây trước đó, giờ chắc đang ở độ sôi khoảng 95 độ, đổ vào một chút cho nở cà phê, đếm 1,2,3, "I love you" là đổ thêm nước sôi gần đầy phin và đậy nắp lại.
Mùi hương từ phin cà phê đã bắt đầu tỏa ra, mùi hương đánh thức nỗi nhớ nhung tràn ngập, nhưng ta không còn cảm thấy lạnh lẽo, cô độc, ta cảm thấy được cái ấm áp của quê nhà và của người tình đã quyện lấy. Rồi khi ta ngồi với ly cà phê, nhìn những giọt đầu nhỏ xuống nhịp nhàng 1-2-1, nhẹ nhàng chạm vào mặt lớp sữa đặc ngọt sánh, khuấy lên thơm lừng, ta như uống lấy quê nhà và người tình. Ta nghe rõ hơn tiếng đập của trái tim mình. Đó là Đạo.
Giống như trà đạo, lá trà bắt nguồn từ đâu, trồng từ đất nào, quá trình lên men, sao, tẩm, đóng gói và sử dụng nước gì: nước sương, nước giếng trong, nước mưa lắng và bây giờ người ta dùng nước suối có độ cân bằng ổn định. Khi pha thì pha bằng bình gì: ấm tử sa hay ấm tích?... Thì cà phê cũng vậy, cà phê, ở mức độ thưởng thức, người uống cà phê thường tranh luận với nhau: hạt cà phê Việt Nam phần lớn trồng ở các vùng núi Đắc Lắc, Gia Lai hay Bảo Lộc... nhưng khi đã qua những khâu sàng lọc, rang xay các kiểu thì chính cách pha cà phê bằng phin của người Việt, một cái phin cà phê đặc thù chưa từng có trên thế giới, lại đem đến những hương vị đậm đà, độc đáo đến lạ.
Với cái phin đặc biệt của người Việt, khác hẳn với ly Capuchino của Âu châu, Latte của Mỹ, cà phê sữa pha phin của Việt Nam là một thức uống khiến cho bất kỳ một khách nước ngoài ghiền cà phê nào cũng phải bàng hoàng, ngạc nhiên vô cùng. Vì hương vị của nó, vì độ ngọt, đắng, thơm và một chút beo béo của nó hòa quyện trong lưỡi, giữ lại nơi cuống họng và liên tục khiến ta ứa nước miếng để tiếp tục thêm một ngụm nữa.
Người trẻ ngày nay không biết còn cảm nhận được cái hương vị đặc biệt đó không, hay họ thích đủ mùi và chỉ thoang thoảng hương cà phê cho gọi là có đi uống cà phê kèm với những thương hiệu Tây- Mỹ tưởng như sành điệu. Bên cạnh đó, vẫn có nhiều bạn trẻ quay về với hương vị cà phê phin truyền thống, hay cũng có rất nhiều bạn trẻ tìm đến những quán cà phê rang xay tại chỗ để hít hà hương cà phê, và sành điệu gọi một ly cà phê phin để vừa đọc tiếp những trang sách dở, vừa thi thoảng ngẩng đầu nhìn qua cửa sổ ngắm nắng.
Đúng, cà phê phin Việt Nam đã trở thành nét văn hóa, không chỉ là thức uống mà là "cà phê đạo", dành cho những người con của xứ sở cà phê, yêu cà phê và không ngại phiền toái để gìn giữ nghi thức và hương vị đặc trưng của nó.
Ngân Hà
Café de nam và tôi
Hành trình cà phê phin